Giải đáp các thắc mắc Pháp lý về Thuế Thu nhập cá nhân

Case Studies

Hỏi đáp thắc mắc Pháp lý về Thuế Thu nhập cá nhân

Hỏi: Những đối tượng nào phải nộp thuế TNCN theo pháp luật hiện hành?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 2 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007, sửa đổi bổ sung 2012, đối tượng nộp thuế TNCN bao gồm:

  • Cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, đáp ứng các điều kiện sau:
    • Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;
    • Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.
  • Cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.
Hỏi: Những thu nhập nào phải tính thuế TNCN?

Trả lời:

  1. Thu nhập từ hoạt động kinh doanh
    Theo khoản 2 Điều 1 Thông tư 92/2015/TT-BTC, cá nhân, nhóm cá nhân và hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật có doanh thu > 100 triệu đồng/năm thì phải nộp thuế TNCN.
  2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
    Theo Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC, căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập tính thuế và thuế suất, cụ thể:
    • Thu nhập tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ (-) các khoản giảm trừ sau:
      • Các khoản giảm trừ gia cảnh;
      • Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện;
      • Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.

    Như vậy, đối với người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công chỉ phải nộp thuế thu nhập cá nhân khi có tổng thu nhập > 09 triệu đồng/tháng (nếu không có người phụ thuộc, nếu có 01 người phụ thuộc thì thu nhập phải > 12,6 triệu đồng/tháng).

  3. Thu nhập từ đầu tư vốn
    Theo Điều 10 Thông tư 111/2013/TT-BTC, căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn là thu nhập tính thuế và thuế suất. Trong đó, thu nhập tính thuế từ đầu tư vốn là thu nhập chịu thuế mà cá nhân nhận được. Mức thuế phải nộp được tính như sau:

    Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế × 5%
  4. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn
    Theo Điều 11 Thông tư 111/2013/TT-BTC, cá nhân có thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng vốn (chuyển nhượng phần vốn góp và chuyển nhượng chứng khoán) phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Mức thuế phải nộp được tính như sau:
    • Áp dụng đối với trường hợp chuyển nhượng phần vốn góp:

      Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế × 20%
  5. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản
    Theo khoản 5 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC và Điều 17 Thông tư 92/2015/TT-BTC, cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo mức sau:

    Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Giá chuyển nhượng × 2%

    Lưu ý:
    • Trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá hoặc giá trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng thì giá chuyển nhượng được xác định theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng.
    • Không phải tất cả các trường hợp chuyển nhượng bất động sản phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
  6. Thu nhập từ trúng thưởng
    Theo khoản 1 Điều 15 Thông tư 111/2013/TT-BTC, cá nhân trúng thưởng có giá trị giải thưởng vượt trên 10 triệu đồng thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Lưu ý: Thu nhập tính thuế là phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng. Ví dụ: Trúng thưởng 100 triệu đồng, thì thu nhập tính thuế là 90 triệu đồng.

    Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế × 10%
  7. Thu nhập từ bản quyền
    Căn cứ khoản 1 Điều 13 Thông tư 111/2013/TT-BTC, cá nhân có thu nhập từ bản quyền trên 10 triệu đồng theo hợp đồng chuyển nhượng, không phụ thuộc vào số lần thanh toán hoặc số lần nhận tiền mà người nộp thuế nhận được khi chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ. Lưu ý: Thu nhập tính thuế là phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng.

    Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế × 5%
  8. Thu nhập từ nhượng quyền thương mại
    Căn cứ khoản 1 Điều 14 Thông tư 111/2013/TT-BTC, cá nhân có thu nhập từ nhượng quyền thương mại trên 10 triệu đồng theo hợp đồng nhượng quyền thương mại, không phụ thuộc vào số lần thanh toán hoặc số lần nhận tiền mà người nộp thuế nhận được thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Lưu ý: Thu nhập tính thuế là phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng.

    Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế × 5%
  9. Thu nhập từ thừa kế, quà tặng
    Khoản 1 Điều 16 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định: “Thu nhập tính thuế từ nhận thừa kế, quà tặng là phần giá trị tài sản nhận thừa kế, quà tặng vượt trên 10 triệu đồng mỗi lần nhận. Giá trị tài sản nhận thừa kế, quà tặng được xác định đối với từng trường hợp,…”. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp có thu nhập từ thừa kế, quà tặng đều phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Chỉ thu nhập từ thừa kế, quà tặng là chứng khoán; vốn góp trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh; bất động sản; các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng với cơ quan quản lý Nhà nước thì mới phải nộp thuế.

    Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế × 10%
Hỏi: Từ tháng 1 đến tháng 6 Công ty trả lương cho người lao động bằng tiền mặt vào cuối tháng. Từ tháng 7 đến tháng 12 Công ty trả lương bằng chuyển khoản, lương tháng 12 và lương tháng 13 sẽ trả vào tháng 1/2021. Xin hỏi: Năm 2020, Công ty quyết toán lương của 11 tháng đúng không và Số tiền giảm trừ bản thân là 11×11.000.000 đồng hay 12×11.000.000 đồng?

Trả lời:

  • Căn cứ điểm b khoản 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn: “b) Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế. Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế….”
  • Căn cứ Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 ngày 2/6/2020.

Như vậy, Công ty sẽ thực hiện quyết toán năm 2020 cho tất cả các khoản mà cá nhân thực nhận trong năm 2020, có thể bao gồm các khoản của các năm trước được chi trả trong năm 2020, người lao động sẽ được tính giảm trừ cho bản thân đủ 12 tháng và giảm trừ cho người phụ thuộc theo thực tế phát sinh nuôi dưỡng và có đầy đủ hồ sơ theo quy định. Đối với trường hợp Công ty trả lương tháng 12, tháng 13 năm 2020 vào tháng 1 năm 2021 thì khoản lương trả vào tháng 01/2021 không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động trong năm 2020.

Hỏi: Người lao động có HĐLĐ tại công ty đồng thời có thu nhập vãng lai 1 năm trên 120 triệu đã khấu trừ 10%, vậy có phải tự đi làm quyết toán thuế TNCN hay không?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định:

“Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập, cụ thể như sau:

  • Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện việc quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm. Trường hợp cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới theo quy định tại điểm d.1 khoản này thì cá nhân được ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức mới.
  • Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm; đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.”

Trường hợp của anh/chị không thuộc trường hợp được ủy quyền quyết toán mà phải trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế.

Hỏi: Nếu Công ty có ký HĐLĐ 3 tháng, hiện tại những người lao động đã nghỉ việc, khi em quyết toán thuế TNCN có giảm trừ bản thân 11 triệu đồng/tháng không? (Các lao động đó làm việc tại Công ty trước thời điểm 1/7/2021)

Trả lời:

Căn cứ Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 ngày 02/6/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực từ 01/7/2020, theo đó, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh từ kỳ tính thuế năm 2020. Tuy nhiên đối với các trường hợp đã khấu trừ theo mức giảm trừ gia cảnh trước 01/7/2020 và tại thời điểm quyết toán, cá nhân không thuộc diện ủy quyền quyết toán thì tổ chức không điều chỉnh lại mức giảm trừ gia cảnh theo quy định mới (Tổ chức thực hiện quyết toán nghĩa vụ khấu trừ thuế theo số thuế thực tế đã khấu trừ trong năm của cá nhân). Cá nhân trong trường hợp này nếu quyết toán trực tiếp với cơ quan thuế thì sẽ được điều chỉnh theo mức giảm trừ gia cảnh mới kể từ 01/01/2020.

Hỏi: Thủ tục và các bước hoàn thuế TNCN nộp thừa của CBNV trong năm như thế nào?

Trả lời:

Trường hợp tổ chức, cá nhân trả thu nhập sau khi thực hiện quyết toán theo ủy quyền của cá nhân mà đối với từng cá nhân có phát sinh số thuế phải nộp thêm hoặc số thuế nộp thừa thì sẽ được bù trừ giữa các cá nhân, sau đó nếu vẫn còn số thuế nộp thừa sẽ được bù trừ với số thuế phát sinh phải nộp của kỳ tiếp theo.

Trường hợp sau khi bù trừ mà vẫn còn số thuế nộp thừa thì tổ chức chi trả sẽ thực hiện hồ sơ hoàn thuế bao gồm:

  • Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước theo mẫu số 01/ĐNHT.
  • Bản chụp chứng từ, biên lai nộp thuế thu nhập cá nhân và người đại diện hợp pháp của tổ chức, cá nhân trả thu nhập ký cam kết chịu trách nhiệm tại bản chụp đó.

Bài viết trên đây mang tính chất tham khảo nhằm giải đáp cơ bản về các vấn đề liên quan đến thuế thu nhập cá nhân. Để tìm hiểu đầy đủ những quy định của pháp luật, quý khách hàng có thể yêu cầu chát với luật sư riêng hoặc liên hệ với chúng tôi.

At vero eos et accusamus et iusto odio digni goikussimos ducimus qui to bonfo blanditiis praese. Ntium voluum deleniti atque.

Melbourne, Australia
(Sat - Thursday)
(10am - 05 pm)